Con đường thơ của Tố Hữu
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
Thơ Tố Hữu hay nhất khi cảm hứng thơ kết hợp được một cách tự nhiên ba chủ đề sau:
- Ngợi ca lẽ sống cao đẹp của người cách mạng.
- Diễn tả niềm vui hướng về tương lai xã hội chủ nghĩa
- Thể hiện những cảm nghĩ ân tình chung thủy.
Khi nhà thơ viết về Bác:
Lẽ sống, niềm tin mong ước lớn
Và tình thương ân nghĩa bao la
thì cũng là nói về những gì thân thiết nhất đối với hồn thơ ông. Trên đường thơ của Tố Hữu, sự kết hợp này dường như trở thành có tính quy luật ổn định từ cuối giai đoạn Việt Bắc, nhất là từ Gió lộng trở đi. Từ đây phần lớn những bài thơ hay nhất của ông đều thể hiện quy luật ấy.
Trong thơ Tố Hữu, ba chủ đề nói trên, thật ra vẫn có một cơ sở thống nhất: lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì niềm vui trong thơ Tố Hữu không gì khác niềm tin ở lẽ sống ấy. Và ân tình chung thủy trong thơ ông cũng là ân tình chung thủy với lẽ sống ấy, thể hiện cụ thể trong quan hệ ân tình với Ðảng, với Tổ quốc, với Bác Hồ, với đồng chí, đồng bào, với những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản, với truyền thống tốt đẹp của cha ông...
Cho nên danh hiệu phù hợp với Tố Hữu một cách tổng quát nhất vẫn là: Nhà thơ của lẽ sống cách mạng.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Tố Hữu đã đề từ cho tập thơ đầu của mình như thế, và nhân vật của ông, từ Lê-nin, Bác Hồ, anh bộ đội, anh giải phóng quân, mẹ Tơm, mẹ Suốt, chị Lý, anh Trỗi, đến em Lượm, em Hòa... đều mang "Mặt trời chân lý" ấy trong tim - đúng là "những con người như chân lý sinh ra".
Trong mấy chục năm qua, đất nước đầy bão táp và luôn luôn diễn ra những bước ngoặt lịch sử này, vấn đề lý tưởng cách mạng luôn luôn được đặt ra một cách gay gắt hơn đâu hết, chẳng những đối với mỗi con người, mà còn đối với cả dân tộc. Thơ Tố Hữu trở thành thân thiết với nhiều thế hệ Việt Nam, trước hết là vì thế.
Trong những ngày đen tối dưới ách thực dân, thơ ông đem lẽ sống ấy đến cho những thanh niên đang hoang mang trước ngã ba đường. Sau Cách mạng Tháng Tám, thơ ông ngày càng trở thành ý thức về lẽ sống cách mạng của toàn dân tộc trên mỗi chặng đường lịch sử.
Thơ Tố Hữu mấy chục năm qua, tuy trước sau vẫn trở đi trở lại vấn đề lẽ sống cách mạng của con người, vấn đề chân lý chính trị của thời đại, nhưng từ tập này qua tập khác, vẫn có những nét khác nhau và tập nào cũng có một số bài đặc sắc.
Tìm hiểu tiến trình thơ của Tố Hữu, thấy lúc đầu lý tưởng cộng sản đến với ông như là một luồng ánh sáng mãnh liệt và mới lạ. Trong tâm hồn sôi nổi của nhà thơ trẻ, nó trở thành một năng lượng thẩm mỹ tự phát sáng, tự tỏa hương ra thế giới bên ngoài. Ông thường dùng những hình ảnh tươi vui rực rỡ tượng trưng cho ý niệm: chủ nghĩa cộng sản - mùa xuân của nhân loại (có khi ông gọi là "vườn đầy xuân", "xuân đào", hoặc "ngày mai gió mới ngàn phương", "ngày mai muôn thuở với muôn hoa").
Ðặc sắc chủ yếu của thơ Tố Hữu thời kỳ này (Từ ấy) không phải là những khám phá phong phú về đời sống hiện thực mà là sự biểu hiện một cách chân thật cái tôi hết sức trong sáng hồn nhiên của một thanh niên khát khao lý tưởng, tự ca hát niềm vui lớn của mình khi bắt gặp lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và được chiến đấu hy sinh cho lý tưởng ấy.
Ðến giai đoạn Việt Bắc, lý tưởng không phải là đối tượng mô tả trực tiếp. Nó được vận dụng như là quan điểm tiếp cận, đánh giá và khái quát hiện thực. Cảnh tượng vĩ đại của toàn dân đứng lên giết giặc đập mạnh vào cảm quan thẩm mỹ của ông. Cái tôi của nhà thơ muốn ẩn mình sau những nhân vật quần chúng cách mạng đi vào thơ ông từ hiện thực. Thế giới nghệ thuật của ông trở thành hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trước hết trên địa bàn chiến khu Việt Bắc.
Từ cuối giai đoạn Việt Bắc, những khái quát nghệ thuật của Tố Hữu về hiện thực ngày càng trở nên có ý nghĩa rộng lớn hơn, đồng thời cái tôi của thi sĩ cũng xuất hiện trở lại một cách tự nhiên thoải mái trong thế giới hình tượng của mình:
-... Tôi chạy trên miền bắc
Hớn hở giữa mùa xuân...
- Huế ơi quê mẹ của ta ơi
Nhớ tự ngày xưa tuổi chín mười...
- Nửa đời tóc ngả mầu sương
Nhớ quê, anh lại tìm đường thăm quê...
Cùng với cái tôi ấy, hình ảnh mùa xuân lại trở về với thơ ông, không phải cái xuân lòng ngày trước mà mùa xuân hiện thực trên đất nước: mùa xuân của chủ nghĩa xã hội, mùa xuân của những chiến công chống Mỹ.
Nhưng cái tôi Tố Hữu trong Từ ấy và cái tôi Tố Hữu trong những tập thơ này không hoàn toàn là một.
   Ở Từ ấy, người thi sĩ trẻ tuổi chỉ muốn đại diện cho chính cái cá nhân cá thể của mình. Xét về phương diện này, nó nằm trong phạm trù của cái tôi "Thơ mới".
Thể hiện tính cá thể, cái tôi Tố Hữu trong Từ ấy có những nét riêng rất đáng yêu:
Này đây, dáng điệu vừa hiên ngang vừa non nớt của cậu bé học sinh trường Quốc học Huế mới giác ngộ cách mạng:
Ta nện gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi
Và đây nữa, niềm vui say cuồng nhiệt có một cái gì như là thái độ buông thả không muốn tự kiềm chế của nhà thơ trong không khí Huế tháng Tám:
Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi
Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!
Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc
Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?
Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta say, say thần thánh?
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời...
Cái tôi của Tố Hữu từ cuối tập Việt Bắc, nhất là từ Gió lộng trở đi, không còn như vậy nữa. Nó hầu như mất hẳn cái tính cách cá nhân cá thể để trở thành cái ta của Ðảng, của dân tộc. Nó tự đặt mình trên đỉnh cao của thời đại, trò chuyện với lịch sử, với nhân loại (Bài ca mùa xuân 61, Chào 1967...). Nhà thơ tự xem mình là trường hợp tiêu biểu của mối quan hệ Ðảng - thơ ca - cuộc sống:
Làm bí thư hoài có bí... thơ?
Rằng: thơ với Ðảng nặng duyên tơ...
... "Nghề" bí thư, đâu chuyện giấy tờ!
Lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ
Phải đâu tim cứng thành khuôn dấu?
Càng thấu nhân tình nên vẫn thơ!
(Chuyện thơ)
Tố Hữu tin chắc đây là một mối lương duyên bền chặt. Nhưng chính ông chứ không phải ai khác, từ Ra trận trở đi, đã làm cho mối duyên tình ấy nhiều lúc trở nên lơi lỏng. Nhiều bài thơ của ông, nhất là những bài thơ xuân (Chào xuân 67, Bài ca xuân 68, Xuân 69, Bài ca xuân 1971, v.v.) muốn trở thành một thứ thơ đường lối, thơ huấn thị khô khan, nặng về lý trí, nhẹ chất nhân tình.
Tố Hữu trước hết là một nhà cách mạng. Cuộc đời ông, trái tim ông đã "dành riêng cho Ðảng phần nhiều". Ðảng yêu cầu ông trước hết phải nhằm vào đại chúng mà tuyên truyền vận động cách mạng, ý thức về đối tượng ấy đã ảnh hưởng sâu sắc tới phương hướng phát triển của phong cách nghệ thuật của ông. Ðại chúng là nơi kết tinh sâu sắc và bền vững nhất những truyền thống tinh thần của dân tộc. Thơ ông dễ đi vào đại chúng cũng vì nó có tính dân tộc đậm đà. Người ta thường nói về mầu sắc Việt Nam trong thế giới hình tượng của ông, từ phong cảnh đất nước tới những con người, đặc biệt là hình tượng Bác Hồ, những bà mẹ, anh bộ đội... Bút pháp về cảnh, về người cũng có một cái gì đó rất Việt Nam: mầu sắc tươi sáng mà dịu dàng, loáng thoáng mấy nét chấm phá thanh thoát mà tài hoa, không thiên về tả hình xác của thế giới, mà muốn truyền được linh hồn của cảnh vật:
Nhớ Người những sớm tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi, rừng núi trông theo bóng Người...
Ðọc Tố Hữu, thấy như có một thứ ánh sáng riêng tỏa chiếu vào phong cảnh của thơ ông. Có khi là ánh trăng trong trẻo dịu dàng ("Rừng thu trăng dọi hòa bình"). Nhưng thường thì là ánh sáng mặt trời, ánh nắng. Có đôi lần nó là cái nắng chói gắt mùa hạ (Từ ấy, Dưới trưa). Nhưng Tố Hữu thích nhất ánh nắng ấm áp trẻ trung những buổi sớm mùa xuân và cái nắng vàng rực rỡ trong gió thu lồng lộng. Cái ánh nắng trong thơ Tố Hữu bao giờ cũng đẹp, cũng vui và trìu mến biết bao: "Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát", "Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt - Nắng soi sương giọt long lanh", "Ngoài này nắng đỏ cành cam - Chắc trong ấy nắng xanh lam ngọn dừa"... Có nghĩ đến những mùa mưa dầm dề sùi sụt của Huế quê ông (Nguyễn Tuân gọi Huế là "nắng sụt sùi") mới thấy quý cái nắng trong thơ ông.
Nhưng sức mạnh thẩm mỹ trội nhất của thơ Tố Hữu có lẽ là ở tính nhạc rất giàu của nó. Chất dân tộc sâu đậm nhất ở đây chăng? Nhiều câu thơ của Tố Hữu đọc lên cứ thấy réo rắt âm hưởng của câu thơ Kiều, câu thơ Chinh phụ. Có khi lại là cái giọng mộc mạc đằm thắm của ca dao, dân ca. Sáng tạo tài năng nhất của Tố Hữu, nhìn chung, không ở những từ mới lạ, những so sánh tân kỳ, mà ở những hòa phối âm thanh, nhịp điệu có sức diễn tả độc đáo. Có những phối âm có thể nói là khó có thể đạt hơn được:
Thác, bao nhiêu thác, cũng qua
Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời
... Nỗi niềm chi rứa Huế ơi!
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.
Ðọc mấy câu thơ trong bài Mẹ Tơm, lắng nghe như có âm hưởng dội về của tiếng sóng biển từng đợt đổ tràn vào bãi cát rồi lại rút ra xa mãi:
Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước
Hay biển đau xưa rút nước xa rồi?...
Có khi âm nhạc lại phối hợp với vũ đạo:
Ơi những nàng xuân rất dịu dàng
Hát câu quan họ chuyến đò ngang
Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy
Súng khoác trên lưng chẳng ngỡ ngàng...
Cố nhiên thơ dùng nhạc bên ngoài cốt để tạo nên nhạc bên trong. Ðọc thơ Tố Hữu cứ thấy có cái gì như muốn ca lên, hát lên và ngân nga mãi trong lòng mình. Hình như trong thơ ông, nhạc bên trong càng vang dội khi nhạc bên ngoài chỉ khẽ bấm vào những tiếng tơ trầm. Tố Hữu có giọng nói thầm rất thích. Nhiều khi lại nói bằng sự im lặng. Có lẽ cái độc đáo nhất của nhà thơ là thường nói lẽ sống cách mạng, nói chuyện chính trị bằng giọng điệu và ngôn ngữ của tình yêu (tình yêu thì có bao giờ phải cao giọng). Thơ Tố Hữu trong phần tiêu biểu nhất, vẫn là thơ tâm sự, thơ tâm tình với giọng thầm kín ngọt ngào. Người ta đã giải thích giọng thơ này bằng nhiều lý do, trong đó có lý do ảnh hưởng của quê hương ông. Ðúng là có cái giọng Huế trong thơ Tố Hữu, cái giọng "hờn dịu ngọt" của người Huế, cái giọng hò man mác thiết tha trên sông Hương và cái giọng thầm thì của chính con sông rất đỗi thơ mộng và trữ tình này:
Hương Giang ơi, dòng sông êm
Qua tim ta, vẫn ngày đêm tự tình...
Thành công của thơ Tố Hữu, xét đến cùng là do sự gặp gỡ may mắn giữa dòng thơ tuyên truyền chính trị của những người cộng sản với một tài năng thực sự, một thi sĩ thực sự, khiến cho, nói như Sóng Hồng, "Thơ chính trị" cũng có thể "là thơ trăm phần trăm như các thơ khác".
Thơ chính trị, thơ vô sản, nên dân tộc hóa, đại chúng hóa là con đường nghệ thuật tất yếu. Cũng tất yếu thiên về tính truyền thống hơn là tính hiện đại. Và phải cấu tứ trên một bình diện nghĩa để chủ đề được truyền đạt rõ ràng với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nông. Là thơ chính trị nên hầu như không nói đến tình riêng, đến chuyện đời tư, chuyện cá nhân. Và phải gắn bó chặt chẽ với đường lối chính sách của Ðảng trên từng bước đi cụ thể của cách mạng. Về mặt này, thơ Tố Hữu nhiều khi không tránh khỏi phải trả giá cho những sự thiếu thống nhất nào đó giữa chính trị và chân lý đời sống, giữa ý chí, ước mơ và hiện thực. Ðây là trường hợp mà cảm hứng lãng mạn bay bổng và đầy dự báo chính trị của thi sĩ tuy rất chân thật nhưng thiếu cơ sở nhận thức chính xác đối với hiện thực và chưa bắt rễ được sâu vào những nhọc nhằn, đau đớn, những bất hạnh còn nặng nề trong đời sống nhân dân.
Nhược điểm này thực ra chẳng phải là riêng của Tố Hữu. Chẳng qua là vì Tố Hữu chủ yếu chỉ làm thơ chính trị với phong cách lãng mạn chủ nghĩa nên nhược điểm ấy đã lộ ra rõ hơn mà thôi.
Hà Nội, 26-8-1985 - 19-2-1989
Dẫn luận nghiên cứu tác giả văn
học.
ÐHSP Hà Nội. 1993
Chân dung văn học
Nxb. Thuận Hóa và Trường ÐHSP Huế.
Huế. 1990